Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân ĐÀO TẠO KỸ SƯ, CỬ NHÂN CHUẨN NHẬT BẢN
Mã trường

Sinh viên biết tiếp cận thực tế sớm sẽ là mấu chốt của sự thành công (1)

09-04-2015 21:20:00

Bài 1: Tiếp cận thực tế là gì?

Một thực tế cho thấy, sinh viên trong cả nước nói chung sinh viên ở các khu vực tỉnh lẻ nói riêng việc tiếp xúc sớm với thực tế trong lĩnh vực mình học tập nghiên cứu còn rất hạn chế. Nhiều sinh viên học ở trường có kết quả điểm số cao nhưng khi tốt nghiệp vẫn chưa biết những thông tin cơ bản về thực tế trong lĩnh vực mình đã lựa chọn theo học. Do đó, khi tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, các ứng viên gặp rất nhiều bối rối, không biết nhà tuyển dụng cần gì ở mình, mình đang ở vị trí nào, mình có cái gì để trả lời nhà tuyển dụng,... những điều đó làm cho các em phải thất bại nhiều lần khi tham gia tuyển dụng và hệ lụy kéo theo thì rất nhiều, nhưng có một ảnh hưởng hết sức nguy hiểm là các em thiếu niềm tin để đăng kí tuyển dụng các lần tới, thường có tâm lí rụt rè chán nản, không tin vào bản thân mình, lúng túng về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, thậm chí có lúc nghĩ buông xuôi, bỏ cuộc và không màng đến lĩnh vực mình đã học tập. Đối với một số trường hợp đã tìm được việc làm thì khi bước vào làm việc vấn bỡ ngỡ, lúng túng và thường khi đứng trước một vấn đề, một tình huống, một sự cố cần giải quyết thì họ rất thụ động trong việc đề xuất giải pháp xử lí. Trong các cuộc họp công ty để lấy ý kiến đề  xuất ý tưởng, chiến lược phát triển hay thay đổi một cái gì đó của công ty thì bản thân họ thiếu tự tin không giám nêu ý kiến, luôn cảm giác sợ là ý kiến mình không đúng, không thực tế (sợ mọi người nghĩ mình ảo giác, ngớ ngẩn), đặc biệt không bao giờ giám chủ động đề xuất các ý tưởng của mình lên lãnh đạo. Do đó, khi mới vào làm các em thường mất một thời gian khá dài mới thích ứng và phát huy được năng lực của mình. Trong khi đó, các thành viên khác (vào cùng lúc) nếu đã có những kiến thức thực tế họ sẽ tự tin làm việc, họ mạnh dạn, tự tin trình bày với cấp trên các sáng kiến hay chiến lược để phát triển công ty,... điều đó họ sẽ tạo uy tín cá nhân đối với nhân viên trẻ có lòng nhiệt huyết, có năng lực, đó là cơ hội để thăng tiến nhanh trong công việc, khi mà một nền kinh tế thị trường năng động đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, khả năng làm việc tốt, xử lí công việc nhanh chóng, sắc bén để chớp lấy những cơ hội kinh doanh mag người lãnh đạo rất cần.  

TIẾP CẬN THỰC TẾ LÀ GÌ? Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Học để hành, học với hành phải đi đôi. “Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Lời dạy của Bác có ý nghĩa rộng lớn đối với việc học và nguyên giá trị ở mọi thời đại.

Nếu các em sinh viên mà khi đang còn học ở trường phổ thông đã phải làm thêm kiếm tiền, cùng cha đi phụ hồ, cùng mẹ đi trồng rừng thuê, cùng cha thiết kế - chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ, phụ mẹ làm chăn nuôi, phụ mẹ bán hàng hay các em sáng đi học ở trường - chiều đi làm ruộng cùng gia đình, phụ mẹ làm sổ sách kế toán ngoài giờ cho các công ty khác, tự đi làm thuê kiếm tiền, các em chỉ tự học thêm vào buổi tối, (không phải sáng học chính khóa, chiều học thêm như đa phần học sinh thành thị hiện nay) …các em học sinh trải qua thực tế kiếm tiền cùng với cha mẹ, tự đi kiếm tiền thì  các em đã hiểu rõ nguồn thu nhập của gia đình, nắm được nguồn gốc của đồng tiền chi tiêu của nhà mình thì khi trở thành sinh viên, các em sẽ có ý thức trong việc xin tiền từ cha mẹ, chi tiêu đồng tiền biết tiết kiệm, biết trân trọng đồng tiền như trân trọng và biết công ơn mồ hôi, sức lao động vất vả của cha mẹ, người thân.  Ngược lại, nhiều sinh viên xuất thân kể cả từ nông thôn hay thành thị chỉ biết xin tiền bố mẹ tiêu mà không hề biết đồng tiền đó bố mẹ làm ra từ đâu? bố mẹ lấy đâu ra tiền? bố mẹ có vất vả khi chu cấp số tiền mình cần hay đó không? Mình lấy tiền bố mẹ để tiêu thì mình có trách nhiệm gì không? Vậy thì dù là sinh viên con của gia đình khó khăn hay gia đình khá giả thì cũng cần phải hiểu và chia sẻ tài chính với gia đình đó là một cách tiếp cận thực tế cuộc sống gia đình cụ thể nhất giúp các em trưởng thành hơn, nhìn nhận được bản chất sự việc một cách thấu đáo. Vậy, tiếp cận thực tế không phải là cái gì xa lạ, cao siêu mà những gì đang diễn ra xum quanh bạn ở mọi thời gian - mọi địa điềm, bạn để ý, vào vai suy nghĩ, nghiên cứu nhiều mặt của vấn đề và có thể thực hiện để trải nghiệm cũng như thu hái thành quả.

Rõ ràng khi trở thành sinh viên thì các em đã học được một khối lượng kiến thức rất nhiều từ sách vở, bài giảng, giáo trình và đặc biệt là quá trình giảng dạy của các Thầy Cô. Thử  hỏi, các em  đã từng vận dụng những kiến thức đó vào thực tế, ví dụ như: giải quyết được các vấn đề xảy ra trong thực tế cuộc sống của bạn, thực hiện các ý tưởng, các mục tiêu đã đặt ra, làm một báo cáo thành tích học tập hay kế hoạch về định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai gửi bố mẹ,… hay bạn đã thử nghiệm vận dụng kiến thức đã học để thuyết phục một ai đó thực hiện một vấn đề nào đó chưa?, hay bạn đã thử nghiệm vận dụng những kiến thức đã học để kiếm tiền chưa?

Câu chuyện về tôi: Lần đầu tiên tôi đến thành phố Vinh, tôi choáng ngợp bởi sự giàu có (năm 1996, khi đó tôi 19 tuổi), sang trọng từ các dãy phố, đường nhựa đèn sáng trưng, nhà cao tầng, cây được trồng trong cái bình, cái ô được xây bao bọc,... Trong tôi một cảm giác lâng lâng, hấp dẫn, mới lạ quá nhưng lập tức tôi lại nhớ như in cảnh làng quê nhà mình, nhớ về đồ vật trong gia đình mình để rồi trong đầu nảy sinh một phép so sánh "ôi, quê mình nghèo thế, nhà mình quê quá, thiếu thốn nhiều quá,...". Càng tiếp xúc tôi lại càng thấy quê mình nghèo quá, nhà mình quá thiếu thốn và quê mùa.

 

Đó là lần đầu tiếp xúc với thành phố, tôi đã tò mò và cứ làm phép so sánh 'quê và phố', tôi cứ tự hỏi sao họ giàu thế? làm sao mà họ giàu như thế nhỉ?  rồi tôi nảy sinh ý định, thành phố giàu thế này tại sao mình không kiếm tiền để tự nuôi sống mình nhỉ. Tôi đã ngay lập tức quay lại vấn đề là ở quê nghèo như vậy mà mình và các em vẫn vừa đi học vừa lao động nông nghiệp cùng cha mẹ kiếm ra được lúa gạo, chăn nuôi để kiếm tiền, bây giờ mình sống ở nơi 'giàu có' tại sao mình không đi kiếm tiền, tại sao mình không tìm cách để vừa kiếm tiền vừa đi học? Tôi đã nhìn thẳng vào thực tế là thành phố trong mắt tôi là rất giàu có. Tôi đã biết thực tế quê tôi, gia đình tôi là đang rất nghèo. Sâu thẳm tôi đặt ra một thực tế là tôi cần giải quyết với tôi phải là 'vừa đi học thật tốt và phải kiếm tiền tự nuôi sống bản thân'. (Mời xem bài 2)

 

TS. Đặng Minh Chưởng

(mchuong18@gmail.com)

Nguyên Tổng GĐ  Công ty CP Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Miền trung

Hiệu trưởng Trường ĐH CN TP. Hồ Chí Minh Chi nhánh Nghệ An

Hiện là P. Hiệu trưởng điều hành trường ĐH CN Vạn Xuân

Chủ tịch HĐQT Công ty CP ĐT Xây dựng và Giáo dục Minh Sang